Bối cảnh Toàn_quốc_kháng_chiến

Sau khi giành được độc lập từ tay Nhật, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gặp khó khăn với những đoàn quân giải giáp phát xít của Đồng Minh. Đặc biệt là đằng sau đó là quân đội Pháp, được coi là "ông chủ cũ" của xứ Đông Dương. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, chí ít cũng làm chậm lại chiến tranh để chuẩn bị đối phó, đồng thời khéo léo tìm được thế bắt đầu chiến tranh tốt nhất có thể (hay là ít xấu nhất). Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (6/3/1946) rồi Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) lần lượt được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán. Quân Tưởng Giới Thạch phải theo các điều ước rút về nước.

Phía Pháp đã gây ra nhiều vụ xung đột về cả chính trị lẫn quân sự và không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 16. Các vụ xung đột liên tiếp xảy ra ngay ở cả bắc vĩ tuyến 16 do quân Pháp gây hấn: Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hồng Gai, Hải Dương và ngay cả tại Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt quân Pháp gây ra nhiều vụ thảm sát ở khu vực Hải Phòng, và các khu Hàng Bún, Yên Ninh, Hà Nội.

Ngày 20 tháng 11 năm 1946, người Hải Phòng tổ chức biểu tình phản đối các nhân viên hải quan Pháp tại thành phố. Để giải quyết tình hình Hồ Chí Minh đề nghị phía Pháp phương án nhân sự hỗn hợp Việt - Pháp trong các cơ quan hải quan nhưng phía Pháp kiên quyết từ chối. Ngay 22 tháng 11, tướng Jean Étienne Valluy, Tư lệnh Pháp tại Đông Dương đánh điện ra lệnh cho Đại tá Dèbes, Tư lệnh quân đội Pháp tại Hải Phòng bằng mọi giá phải giành quyền làm chủ Hải Phòng. Tới ngày 23 tháng 11, Dèbes huy động 3 chiến hạm nã pháo vào Hải Phòng. Sau đó, Paul Mus (cố vấn chính trị của tướng Leclerc) thông báo với đô đốc Battet rằng vụ pháo kích đã khiến 6000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Đây chính là sự kiện làm bùng bổ Toàn quốc kháng chiến ở Việt Nam.[1][2]

Sau đó, ngày 18 tháng 12, tướng Pháp Molière gửi hai tối tối hậu thư liên tiếp đòi tước vũ khí của bộ đội và tự vệ Việt Nam, nắm quyền kiểm soát thành phố. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản (bí mật) họp tại Vạn Phúc, Hà Đông. Hội nghị thông qua quyết định phát động chiến tranh. Đối với Quốc hội, do Hiến pháp Việt Nam quy định Chủ tịch nước trong trường hợp khẩn cấp có thể phát động chiến tranh mà không cần phải thông qua Nghị viện. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc với Chính phủ và Ban thường trực Quốc hội và nhanh chóng được đồng ý.

20 giờ 3 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhà máy điện Yên Phụ bị phá, tiếng súng nổ ra tại Hà Nội. Tiếp đó, ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Đây được coi là mệnh lệnh phát động kháng chiến và cuộc chiến tranh bắt đầu.